“Ăn thực phẩm thật, tận hưởng sức khỏe thật”, đây không phải lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng, mà lại đến từ nhà sáng lập tổ chức BNI toàn cầu, hệ thống kết nối doanh nhân lớn nhất Thế giới, ông Ivan Misner. Câu nói được trích từ cuốn sách “Healing begins in the kitchen” (2017) đã được xuất bản ở Việt Nam với tên “Chữa lành từ bếp”.
Cuốn sách được viết khi ông Misner đã thành công trong việc chữa lành cho chính mình căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt, căn bệnh mà khi được chẩn đoán, bác sĩ nói rằng Misner chỉ còn 6 tháng để sống dù có được bệnh viện can thiệp tích cực bằng Tây y.
Ông và vợ đã chọn con đường khác, và họ đã đi được 10 năm. Đó là 10 năm thay đổi ăn uống và lối sống cùng với vợ con mình dưới sự đồng hành của bác sĩ mà không xạ trị, hoá trị hay phẫu thuật. Câu chuyện của Ivan đúng như minh hoạ cho câu cách ngôn của Ayurveda, y học cổ truyền Ấn Độ, mà tôi rất yêu thích và trích trong tờ rơi của mình “Nếu ăn uống sai thì thuốc không có tác dụng, nếu ăn uống đúng thì thuốc không còn cần nữa.”
Trải qua biến cố lớn, có lẽ, tiến sĩ Ivan Misner sẽ không thể không gật gù đồng ý câu “Thức ăn thay đổi mọi thứ” của thầy hiệu trưởng Joshua ở học viện IIN của tôi.
Chắc hẳn, bạn đã từng nghe câu “You are what you eat”, dịch là “bạn là những gì bạn ăn”? Có thể hiểu là những gì bạn hấp thụ ở đầu vào sẽ hình thành chính bạn ở đầu ra. Một số người, bao gồm cả tôi trước kia, hoàn toàn nghi ngờ câu này, cho đến khi nhận ra mình đã từng ăn uống “vô tri” như thế nào. Các cụ dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở” nhưng đến tận 26 tuổi, sau khi đã học nhiều bằng cấp, chứng chỉ, tôi mới nhận ra mình chưa bao giờ “học ăn” (!)
Như nhiều người, tôi đã từng từ bé đến lớn chỉ quan tâm tới khẩu vị của thức ăn. Mì gói và sữa bò từng là thức ăn hàng ngày của tôi trong thời gian dậy thì. Sau đó, khi (tưởng là mình) ý thức hơn về dinh dưỡng thì tôi lại thấy mình dễ dàng bị dẫn dắt bởi quảng cáo, tôi chọn cái này, tôi mua cái kia thường là vì nó được giới thiệu là tốt. Tôi mua cá hồi vì “nhiều Omega-3”, tôi nhắm mắt cố uống sữa bầu “giúp bổ sung can-xi và ti tỉ các chất khác”, tôi mua nước chấm thay cho nước mắm truyền thống vì nó “giảm mặn”... Giờ đây, đôi khi tôi cũng ăn cùng bạn bè những thứ ấy, nhưng chúng dường như rất xa lạ đối với cơ thể và cả tâm trí của tôi. Cơ thể của tôi đã là một cơ thể mới mất rồi, vì nó còn không nạp vào đều đặn những thức ăn cũ nữa.
Có thể bạn cũng như tôi, nhớ lại chính mình khi còn ăn uống “vô tri”, nghĩa là trước khi bắt đầu chú ý đến ăn uống lành mạnh và tưởng tượng bây giờ bạn vẫn ăn như cách cũ thời mười hay hai mươi năm trước đó xem. Có những người tự nhận từng là “fan của fast food” nhưng sau chỉ 1-2 năm ăn uống lành mạnh, khi có dịp được mời đi ăn, cũng món đó, cửa hàng đó nhưng bất ngờ thấy khẩu vị không hợp nữa. Cái miệng vì không thấy ngon nên cũng tự động ăn ít đi. Cũng chính một người từng là “fan cuồng gà rán” nói rằng giờ mà lâu lâu ăn cùng với bạn bè thì được chứ không thể chén tì tì mà vẫn cứ còn thòm thèm như ngày trước. Cơ thể của họ cũng đã là một cơ thể mới, vì nguyên liệu đầu vào của nó đã khác, không còn là những thức ăn thời “vô tri” nữa.
Nói rằng thức ăn thay đổi mọi thứ, nhiều người cho là nói quá. Để tôi kể tiếp cho bạn nghe câu chuyện của cậu bé Trey là con trai của tiến sĩ Ivan Misner tôi nhắc tới ở đầu bài. Khi Trey được 7 tuổi thì bố mẹ cậu bé để ý thấy những biểu hiện kỳ lạ về thần kinh, dễ thấy nhất là hội chứng Tic gây co giật cơ mặt. Mẹ cậu bé, bà Beth Misner, để ý thấy mỗi khi ăn hoặc uống thức ăn gì có màu đỏ tươi thì cậu bé trở nên hung hăng và hiếu chiến hơn nhưng họ chưa có đủ căn cứ.
Lúc này, ông Misner chưa phát hiện ung thư và cả gia đình vẫn đang ăn “chế độ ăn tiêu chuẩn Mỹ” (S.A.D = Standard American Diet) với rất nhiều thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn, vì ăn uống kiểu này giúp họ tiết kiệm thời gian nấu nướng, tập trung vào sự nghiệp và kinh doanh. Mãi cho đến khi cậu bé 14 tuổi, cả nhà đến sống ở một nơi khác, kiểm tra rà soát lại tất cả thực phẩm, thì bố mẹ cậu mới dành thời gian để thử nghiệm sự khác biệt giữa thời gian trong tuần mà cậu bé này ăn kẹo màu đỏ với tuần ăn các loại kẹo có màu khác. Không có một động thái khác thường nào với các màu thực phẩm khác, nhưng với kẹo có phẩm nhuộm màu đỏ #Red40 thì cậu bé buồn bực, kích động, la hét và đập cửa vì những lý do nhỏ nhặt.
Thí nghiệm này đã hoàn toàn thuyết phục bố mẹ cậu bé. Ông bà Misner quyết định đưa con tới gặp bác sĩ Daniel Amen, tác giả sách “Change your brain, change your life”. Khi chụp hình cắt lớp SPECT não khi chưa tiêu thụ và sau khi tiêu thụ Red #40, họ đã hiểu tại sao chất phụ gia này lại gây tác động mạnh đến như vậy. Khi cơ thể của Trey hấp thụ Red #40, tất cả các vùng trung tâm não bộ đều sáng lên, riêng hạch hạnh nhân là trung tâm kiểm soát xung động thì lại ngừng hoạt động. Bác sĩ Amen gọi đây là Vòng Tròn Lửa.
Sự việc này đã giúp cho gia đình họ thấy được “một chút xíu” chất phụ gia thực phẩm được cho là an toàn lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hành vi của con họ lớn đến thế nào. Và cảnh báo này không chỉ bao gồm mỗi Red #40, thứ phẩm đỏ được cho vào rất nhiều món ăn để tạo màu hấp dẫn: bánh kẹo, sữa, nước ngọt, ngũ cốc, thịt nướng và thậm chí cả sô-cô-la.
Hãy nghĩ mà xem, những loại phụ gia thực phẩm nói chung đều mới được sử dụng phổ biến trong thời gian khoảng 100 năm trở lại đây, và thi thoảng chúng ta lại nghe một loại nào đó bị cấm ở đâu đó. Chẳng có gì đảm bảo cho phần còn lại một ngày nào đó không bị cấm, hoặc đảm bảo không có cá nhân nào phản ứng tiêu cực khi tiêu thụ chúng. Nhưng những loại thức ăn thật, trong trái cây rau củ quả, trong thức ăn ngàn đời tổ tiên đã ăn, thì lại có thời gian chứng mình dài hơn, đáng tin cậy hơn. Chúng ta có thể khá chắc chắn rằng không có em bé nào có dấu hiệu “tăng động” sau khi ăn cà chua đỏ hay bắp cải tím cả.
Nói thức ăn thay đổi mọi thức là vì một khi thức ăn đã được nạp vào cơ thể, chúng chính là nguyên liệu để tạo máu, tạo tế bào mới, dần dần tạo ra cơ quan mới, cơ thể mới. Đó là lý do mà thức ăn thực sự ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng đến tóc, đến da, đến giấc ngủ, thậm chí đến cả tâm trạng. “Food is Mood” là vì vậy. Có thể bạn không cảm thấy nhưng những người có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng hoặc bị các bệnh mãn tính sẽ chứng thực cho bạn điều này. Có thể bạn không để ý, nhưng có thể tâm trạng bực bội một hôm nào đó của bạn lại liên quan đến việc bạn đã lỡ ăn tới 3 miếng bánh chocolate trước đó; hoặc việc bạn cảm thấy bồn chồn khi lái xe lại là tác dụng của cốc cafe bạn mua trên đường đi làm, việc con bạn khó ngủ tối qua là do con ăn bánh ngọt và uống soda vào bữa tối…
Một bữa ăn, một cốc nước đơn lẻ thì không tác động lớn nhưng sẽ ảnh hưởng thế nào với nhiều bữa một tháng, rồi một đời? Bao nhiêu tế bào trong cơ thể bạn được thay mới hoàn toàn trong một cuộc đời? Thậm chí sau đó nữa là truyền đời, thức ăn có thể thay đổi cả gen, cả xu hướng tính dục, cả hành vi của con người. Bạn đã thấy thức ăn thay đổi mọi thứ chưa? Thầy giáo tôi nói rằng ‘We are foods, we are walking foods.”
Nói rằng thức ăn thay đổi mọi thứ, nhìn lại thì: số lượng và chất lượng của thức ăn chúng ta đang ăn rất khác so với tổ tiên của chúng ta; nên cơ thể của chúng ta cũng rất khác họ. Chẳng phải bạn đã nghe quá quen tai phép so sánh than phiền rằng trước kia ông bà sống kham khổ đói kém thì ít bệnh mà ngày nay tuổi trẻ đã “bệnh không đợi tuổi”? Đó là bởi vì ngày nay thức ăn được đề cao nhờ khẩu vị và sự độc lạ, chứ không còn vì chất lượng nữa. Người ta ăn những gì được marketing là tốt, chứ không phải những gì thực sự tốt.
Vì một lý do rất đơn giản, củ cà rốt khiêm nhường không đủ tiền để tự marketing được cho chính nó; nhưng thịt trứng sữa thì được, nhờ biên lợi nhuận cao. Cũng như sữa mẹ và sữa công thức, hàng tỉ đô la được chi trả mỗi năm cho quảng cáo sữa công thức trong lúc quảng bá cho sữa mẹ trên toàn Thế giới thì gần như là 0 đồng. Cơ thể cần dinh dưỡng thật, thức ăn thật nhưng cái đầu lại thường bị dẫn dắt bởi nhu cầu ảo từ quảng cáo tiếp thị nên nạp vào cơ thể thức ăn giả, thức ăn rác. “Thức ăn rác” (junk food) ở đầu vào cũng góp phần tạo ra “suy nghĩ rác” ở đầu ra. Đó là những suy nghĩ thừa, vô ích, những suy nghĩ có tần số thấp.
Năm 2005, Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ đã xuất bản một bài báo liên quan đến suy nghĩ của con người. Theo đó, một người trung bình có khoảng 12.000 đến 60.000 suy nghĩ mỗi ngày. Trong số đó, 80% là tiêu cực và 95% là những suy nghĩ lặp đi lặp lại giống hệt như ngày hôm trước. Người ta vẫn đang đặt câu hỏi bệnh trầm cảm là tâm lý hay sinh lý (?) Và nếu có phần sinh lý thì thức ăn chiếm bao nhiêu % cấu thành nguyên nhân đó?
Nói rằng thức ăn thay đổi mọi thứ, nên nếu tôi ăn những món bạn đang ăn, có thể tôi cũng nghĩ những gì bạn đang nghĩ và làm những gì bạn đang làm. Và ngược lại. (!)
Nói rằng thức ăn thay đổi mọi thứ, nhưng cũng có ngoại lệ. Có những người có tâm hồn tuyệt vời, tính cách phóng khoáng đang ăn thức ăn rác, nhưng cũng có những người tính tình rất kinh khủng đang uống nước ép cỏ lúa mạch hàng ngày. ^^
🎯 Chào 2025: Đặt Mục Tiêu Sức Khỏe Cùng Health Coach! 🎯
Nhìn lại 2024 chút nào: Thói quen hay cáu gắt chưa từng là tính cách của bạn, có khi nào nguyên nhân từ những gì bạn hấp thụ vào người? Việc đầu óc bạn có tỉnh táo hay không từ lúc nào đã hoàn toàn lệ thuộc vào cốc cafe sáng?
Năm mới sắp đến rồi, hãy để thức ăn không chỉ là thứ làm bạn no bụng mà còn là thứ có thể thay đổi cơ thể, tâm trí và cả cuộc sống của bạn. Hãy biến 2025 thành năm của những thói quen ăn uống lành mạnh hơn, lối sống tích cực hơn và yêu thương bản thân nhiều hơn. Bạn đã sẵn sàng chưa?
Comment email của bạn dưới đây để nhận ngay *Template Mục tiêu Sức Khỏe 2025* bản đẹp A4, có thể in và treo ở bất kỳ đâu bạn muốn, giúp bạn dễ dàng theo dõi hành trình của mình suốt cả năm nhé! 🎁✨
Hãy cùng nhau tạo ra một năm 2025 thật khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng nào!
Nếu đã xem bộ phim "Ma trận", tôi tin rằng bạn cũng sẽ thích video trong bài viết mới này. Ma trận thức ăn công nghiệp thời hiện đại cũng làm cho con người ta u mê, lạc lối trong những cám dỗ chết người, điều khiển phía sau là những nhà sản xuất thức ăn thì không quan tâm đến sức khoẻ, còn ngành chăm sóc sức khoẻ thì quá tải, không thể dạy người ta về thức ăn.
Bao đời này, thức ăn thật vẫn làm nên "con người thật", nhưng thời đại này, con cái chúng ta bị bao vây bởi ma trận thức ăn giả, vitamin tổng hợp, sữa nhân tạo dành cho trẻ em,... ngay từ thức ăn đầu đời, đến nỗi nhiều đứa trẻ trong số chúng KHÔNG có chút ký ức nào về sữa mẹ, không còn có khả năng thưởng thức vị ngon của dưa chuột, sự mọng nước của cà chua, cái thơm của trứng gà ta đỏ lòng nuôi sau nhà, hay thậm chí chúng không thể nhai nhuyễn một miếng cơm gạo xát dối đủ để thấy được vị ngọt bùi "dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần" trong đó.
Là người lớn, khi quay về với thức ăn thật được canh tác thuận tự nhiên bởi những người làm nông chân chính, thì việc được ăn một bát cơm nóng với rau cải luộc chấm tương giản dị như hương vị thời xưa bà ngoại nấu cho chúng ta ăn thực sự là một cảm giác "trở về". Thức ăn "chân chính" thực sự có thể giúp cho chúng ta trở về với "Chân Tâm".
"They've been processing food, and now they're processing...you!", tạm dịch là: Họ đã và đang chế biến thức ăn và nay họ tiếp tục chế biến bạn", là câu hát trong bài hát thú vị, sáng tạo nhưng đầy ý nghĩa này. Trong video, những nhân vật chính là bác sĩ Katz và các con của ông.
Nếu bạn chưa biết thì Dr. David Katz là một chuyên gia nổi tiếng về y học phòng ngừa, dinh dưỡng và sức khỏe công cộng ở Mỹ. Ông cũng là một giáo viên thỉnh giảng mà tôi được học trong khoá học HCTP của IIN. Ông là người sáng lập và cựu giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Y học Phòng ngừa Yale-Griffin.
Dr. Katz còn là tác giả của nhiều sách và bài báo về sức khỏe, với thông điệp tập trung vào việc cải thiện lối sống để phòng ngừa bệnh tật và tăng cường sức khỏe tổng thể. Ông cũng được biết đến với việc phát triển hệ thống xếp hạng dinh dưỡng NuVal và vai trò tiên phong trong các chiến dịch thúc đẩy chế độ ăn lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn dựa trên thực vật.
lhnp06@gmail.com